Miền Tây là ở đâu? Tìm hiểu điều kiện tự nhiên của miền Tây

Miền Tây là ở đâu? Hãy tìm hiểu về điều kiện tự nhiên và thông tin sơ lược về các tỉnh thuộc miền Tây trong bài viết dưới đây nhé.

Nội dung tóm tắt

Miền Tây là ở đâu?

Miền Tây Nam Bộ hay gọi tắt miền Tây là cách gọi của người dân dành cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Miền Tây có tất cả 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương và 12 tỉnh còn lại là: Long An, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cực Nam tổ quốc, có đường bờ biển kéo dài 700km và diện tích khoảng 40.000 km2 chiếm 12,3% diện tích cả nước. Phía tây bắc giáp Campuchia, phía đông bắc tiếp giáp vùng Đông Nam Bộ, phía đông giáp biển Đông, phía nam giáp Thái Bình Dương và phía tây giáp vịnh Thái Lan. Đây là vị trí thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam với thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Vị thế nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á, Đông Á, Châu Úc và rất gần các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippin, Indonesia…

Miền Tây là ở đâuMiền Tây là ở đâu? Tìm hiểu điều kiện tự nhiên của miền Tây

Xem thêm: Miền Tây có gì chơi? Những địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Tây

Điều kiện tự nhiên của miền Tây là gì?

Địa hình

Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa hình bằng phẳng, có mạng lưới sông ngòi và kênh rạch phân bố dày nên rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy, đường bộ. Bên cạnh đó, với bờ biển dài 700km là nhân tố quan trọng để vùng này phát triển kinh tế biển, hàng hải, thương mại và du lịch.

Khí hậu

Khu vực miền Tây Nam Bộ nằm trong vùng khí hậu cận xích đạo và nhiệt đới gió mùa nên rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lúa nước và cây lương thực. Không chỉ vậy, với hệ thống kênh ngòi chằng chịt và các con sông lớn như sông Cửu Long, sông Hậu, sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Vàm Cỏ… đã giúp cho khí hậu miền Tây luôn luôn mát mẻ.

Bên cạnh đó, khu vực này có một nền nhiệt độ cao, ổn định trong toàn vùng, với nhiệt độ trung bình 28 độ C. Số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.226 – 2.790 giờ và ít xảy ra thiên tai. Đặc biệt, thời tiết miền Tây được chia làm hai mùa chính là mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa nắng kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 của năm sau. 

Đất đai

Vùng đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những dải đất phù sa phì nhiêu dọc ven sông, một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

Nguồn nước

Nguồn nước của khu vực Tây Nam Bộ được lấy từ 2 nguồn chính là nước mưa và sông Mê Kông. Dòng sông này chảy qua vùng đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đem lại lượng nước bình quân khoảng 460 tỷ m3 và vận chuyển khoảng 150 – 200 triệu tấn phù sa. 

Hàng năm, khu vực đồng bằng này bị ngập lũ gần 50% diện tích từ 3 – 4 tháng đã tạo nên một đặc điểm nổi bật của vùng. Một mặt hạn chế lớn đối với canh tác, trồng trọt và gây nhiều khó khăn cho đời sống của dân cư, nhưng mặt khác cũng tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bổ sung độ phì nhiêu cho đất trồng trọt.

Sinh vật

Dưới sự ảnh hưởng của môi trường biển và sông, từ lâu ở Tây Nam Bộ đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên vô cùng độc đáo. Đó là hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái rừng ngập nước ngọt (rừng Trà Sư, vườn quốc gia Tam Nông, vùng Đồng Tháp Mười) và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc Gia U Minh Hạ). Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh… có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực.

Hệ thực vật rừng ngập mặn phổ biến ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long là các loài mắm trắng, bần trắng, đước, bần chua, dà quánh, vẹt tách, dà vôi, giá, cóc vàng, dừa nước…. Theo số liệu thống kê, vùng này có 98 loài cây rừng ngập mặn; ở các hệ sinh thái đất ngập nước có đến 36 loài thú, 34 loài bò sát, 182 loài chim và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá, thủy sản. Những số liệu trên cho thấy tính đa dạng sinh học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Miền Tây là ở đâuMiền Tây là ở đâu? Tìm hiểu điều kiện tự nhiên của miền Tây

Xem thêm: Miền Tây có bao nhiêu tỉnh? Sơ lược về các tỉnh miền Tây

Sơ lược thông tin của 13 tỉnh Miền Tây Nam Bộ

An Giang

Tỉnh An Giang có diện tích 3.536,7 km², tương đương 1,03% diện tích cả nước và đứng thứ 4 so với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Vị trí địa lý:

  • Phía đông giáp tỉnh Đồng Tháp.
  • Phía bắc và tây bắc giáp hai tỉnh Kandal và Takéo của Campuchia với đường biên giới dài gần 104 km.
  • Phía nam giáp thành phố Cần Thơ.
  • Phía tây nam giáp tỉnh Kiên Giang.

Bạc Liêu

Tỉnh Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau, với diện tích đất tự nhiên là 2.669 km2, chiếm gần 0,8% diện tích cả nước và đứng thứ 7 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp với tỉnh Hậu Giang.
  • Phía đông và đông bắc giáp với tỉnh Sóc Trăng.
  • Phía tây bắc giáp với tỉnh Kiên Giang.
  • Phía tây nam giáp với tỉnh Cà Mau.
  • Phía đông nam giáp với Biển Đông với đường bờ biển dài 56 km.

Bến Tre

Tỉnh Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65km. Bến Tre có diện tích ‎2.394,6 km² và có vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền.
  • Phía đông giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km.
  • Phía tây và nam giáp Vĩnh Long và Trà Vinh, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên.

Cà Mau

Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích đất là 5.294,87 km², đây là mảnh đất tận cùng của tổ quốc với 3 mặt tiếp giáp với biển:

  • Phía bắc giáp với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu.
  • Phía đông giáp với Biển Đông.
  • Phía tây và phía Nam giáp với vịnh Thái Lan.

Cần Thơ

Cần Thơ là một thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, là thành phố hiện đại và phát triển nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ có diện tích ‎1.439,2km² và có vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp An Giang.
  • Phía đông giáp Vĩnh Long và Đồng Tháp.
  • Phía tây giáp Kiên Giang.
  • Phía nam giáp Hậu Giang.

Đồng Tháp

Đồng tháp có diện tích: 3.383,8 km², với vị trí nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu. Vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp tỉnh Prey Veng của Campuchia và Long An.
  • Phía đông giáp với tỉnh Tiền Giang và Long An.
  • Phía tây giáp tỉnh An Giang.
  • Phía nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ.

Hậu Giang

Hậu Giang có diện tích 1.621,8 km, đây là tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, thuộc khu vực nội địa của Đồng bằng sông Cửu Long. Vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.
  • Phía tây giáp tỉnh Kiên Giang
  • Phía đông giáp tỉnh Sóc Trăng
  • Phía nam giáp tỉnh Bạc Liêu

Kiên Giang

Kiên Giang có diện tích 6.299 km², đây là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ và lớn thứ hai ở Nam Bộ. Tỉnh nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp tỉnh Kampot của Campuchia, với đường biên giới dài 56,8km.
  • Phía đông lần lượt tiếp giáp với các tỉnh Hậu Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ.
  • Phía tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 200km.
  • Phía nam giáp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.

Long An

Long An nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, với diện tích 4.494,93 km² và có vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp tỉnh Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Svay Rieng của Campuchia.
  • Phía đông và đông bắc giáp TP Hồ Chí Minh.
  • Phía tây giáp tỉnh Prey Veng, Campuchia.
  • Phía nam và tây nam giáp tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn của sông Hậu, là nơi sông Hậu đổ vào biển Đông tại hai cửa Định An và Trần Đề. Tỉnh có diện tích 3.311,87 km², với dân số và diện tích đều đứng thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vị trí địa lý:

  • Phía bắc và tây bắc giáp tỉnh Hậu Giang.
  • Phía đông bắc giáp các tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long.
  • Phía đông và đông nam giáp Biển Đông.
  • Phía tây nam giáp tỉnh Bạc Liêu.

Tiền Giang 

Tiền Giang có diện tích 2.510,5 km², nằm cách TP Hồ Chí Minh 70km về phía Bắc và cách TP Cần Thơ 100km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A. Vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp tỉnh Long An.
  • Phía đông bắc giáp TP Hồ Chí Minh.
  • Phía đông nam giáp Biển Đông.
  • Phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp.
  • Phía nam giáp tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long.

Trà Vinh

Tỉnh Trà Vinh có diện tích 2.35 8,2 km, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cung Hầu và Định An. Trà Vinh là tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp tỉnh Bến Tre.
  • Phía đông giáp Biển Đông.
  • Phía tây giáp Vĩnh Long.
  • Phía nam giáp Sóc Trăng.

Vĩnh Long

Tỉnh Vĩnh Long có diện tích 1.525,6 km², nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Nhìn bao quát, tỉnh Vĩnh Long như một hình thoi nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long. Cụ thể:

  • Phía tây bắc giáp tỉnh Đồng Tháp.
  • Phía đông giáp tỉnh Bến Tre.
  • Phía đông bắc giáp tỉnh Tiền Giang.
  • Phía đông nam giáp tỉnh Trà Vinh.
  • Phía tây giáp TP Cần Thơ.
  • Phía tây nam giáp tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc nắm được miền Tây là ở đâu và những thông tin về điều kiện tự nhiên của vùng này.

Tổng hợp

Rate this post