Hậu quả của biến đổi khí hậu ở Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế, xã hội. Dưới đây là thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam và các giải pháp ứng phó.
Nội dung tóm tắt
1. Thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Nhiệt độ không khí ở Việt Nam có xu huớng gia tăng đáng kể, các tỉnh Miền Bắc gia tăng nhiều hơn Miền Nam, đặc biệt trong những tháng mùa hè với biên độ lớn hơn.
Cụ thể, trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5ºC trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam lãnh thổ. Các hiện tượng cực đoan liên quan cũng đã có những dấu hiệu biến đổi khá rõ như: Ngày càng tăng số ngày nắng nóng trong khi số ngày rét đậm có xu thế giảm đi; số ngày mưa lớn tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu; tần suất hoạt động của bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng với mức độ ảnh hưởng lớn; mùa mưa bão thường kết thúc muộn hơn so với trước đây.

Xem thêm: Việt Nam nằm trong đới khí hậu nào?
Hạn hán, nắng nóng có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ … tác động của BĐKH gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động xấu đến môi trường.
Sự xuất hiện của những cơn mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, triều cường ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia, thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Cụ thể, mực nước biển trung bình đã tăng 25 – 30 cm trong khoảng 50 năm qua. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng và GDP có thể tổn thất khoảng 10%.

2. Một số giải pháp ứng phó đối với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Một là, nâng cao năng lực của nền kinh tế để tăng sức chịu đựng đối với BĐKH qua việc đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng xanh, đầu tư xanh; cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn các ngành kinh tế phù hợp để tập trung phát triển; nâng cao tính thiết thực và hiệu quả liên kết vùng trong tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi.
Hai là, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với BĐKH theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Ba là, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, hạn chế tối đa các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các dự án phát triển kinh tế sử dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều chất ô nhiễm, khí nhà kính, huỷ hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là vùng đầu nguồn nước, khu dân cư, vùng ven biển.
Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Năm là, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của BĐKH, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng, đang trở thành nguy cơ đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ, đời sống nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.
Sáu là, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế nâng cao vị thế quốc gia trong các vấn đề về BĐKH, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và đầu tư có hiệu quả
Trên đây là thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam và các giải pháp ứng phó. Hy vọng bài viết đã chia sẻ thông tin hữu ích cho bạn đọc.